Khám Phá Khí Hậu Việt Nam: Đặc Trưng và Sự Đa Dạng

Khí hậu Việt Nam mang tính nhiệt đới ẩm gió mùa, phân hóa đa dạng theo vùng miền và chịu ảnh hưởng mạnh của vị trí địa lý kéo dài từ Bắc xuống Nam. Miền Bắc có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, có 4 mùa rõ rệt, với mùa đông lạnh và mùa hè nóng ẩm, mùa xuân và mua thu là 2 mùa chuyển tiếp. Miền Trung có khí hậu nhiệt đới, nhưng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi gió Lào khô nóng và bão lụt vào mùa mưa. Miền Nam mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, với hai mùa: mùa mưa và mùa khô, nhiệt độ ổn định quanh năm. Sự phân hóa khí hậu theo mùa góp phần làm cho thiên nhiên đa dạng và phong phú.
Khí hậu Việt Nam
Tính Chất Nhiệt Đới Ẩm Gió Mùa

Lãnh thổ Việt Nam nằm trong khoảng vĩ độ 8°34' Bắc đến 23°23' Bắc, trải dài từ miền Nam gần Xích đạo đến miền Bắc sát Chí tuyến Bắc. Vị trí này đem lại cho Việt Nam kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, với sự phân hóa rõ rệt theo vùng và theo mùa.

• Nhiệt đới
Nhiệt độ cao quanh năm, do vị trí địa lý nằm trong vùng nội chí tuyến, Việt Nam tiếp nhận lượng bức xạ mặt trời lớn quanh năm, khiến nhiệt độ không khí luôn ở mức cao. Nhiệt độ trung bình năm thường trên 20°C, tùy thuộc vào từng vùng.

• Độ ẩm
Độ ẩm không khí cao, đặc biệt trong mùa mưa. Việt Nam có đường bờ biển dài, Biển Đông cung cấp lượng hơi nước lớn, làm tăng độ ẩm không khí. Gió mùa mang theo nhiều hơi nước, đặc biệt là gió mùa Tây Nam. Địa hình đồi núi chắn gió, tạo điều kiện cho hơi nước ngưng tụ thành mưa. Độ ẩm tương đối cao thường trên 80%, đặc biệt vào mùa mưa.

 • Gió mùa

Việt Nam nằm trong vùng nội trí tuyến bán cầu Bắc, có gió Tín phong hoạt động quanh năm. Khí hậu chịu ảnh hưởng mạnh của các khối khí hoạt động theo mùa, với hai mùa gió chính: gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Gió Tín phong hoạt động xen kẽ gió mùa và chỉ mạnh lên rõ rệt vào thời kỳ chuyển giao giữa hai mùa gió.
Gió tín phong là một loại gió thổi ổn định quanh năm ở các khu vực nằm giữa khoảng vĩ độ 5° và 30° ở cả hai bán cầu. Gió này có tên gọi "tín phong" (từ tiếng Anh Trade Winds), vì trước đây nó đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các tàu thuyền buôn bán trên biển.

+ Gió mùa mùa đông (gió mùa Đông Bắc):
 
Xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Do sự chênh lệch áp suất giữa áp cao Siberia và áp thấp xích đạo, khối khí này di chuyển xuống phía Nam và Đông Nam, đi qua lục địa Trung Quốc rồi đến Việt Nam. Khi đến Việt Nam gió này thổi theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, mang theo không khí lạnh, khô vào nửa đầu mùa đông, còn nửa sau mùa đông thời tiết lạnh ẩm, có mưa phùn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Khi di chuyển xuống phía nam, gió mùa Đông Bắc gặp địa hình núi chắn suy yếu dần, bớt lạnh hơn và hầu như bị chặn lại ở dãy Bạch Mã, gây mưa cho cho vùng biển Trung Bộ. Từ Đã Nẵng trở vào Nam, gió Tín Phong chiếm ưu thế tạo nên mùa khô ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

+ Gió mùa mùa hạ (gió mùa Tây Nam):
 
Xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 10, Vào đầu mùa hạ khối khí nhiệt đới ẩm từ vùng áp cao cận nhiệt đới Nam bán cầu (Ấn Độ Dương) di chuyển theo hướng Tây Nam xâm nhập trực tiếp gây mưa lớn cho Nam Bộ và Tây Nguyên.

Ngoài hai loại gió mùa chính, Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của gió Phơn và gió Đông Nam:

+ Gió phơn (gió Lào):
 
Khối khí từ phía Tây Nam mang độ ẩm từ Lào di chuyển về phía Đông, gặp dãy Trường Sơn, bị đẩy lên cao và làm lạnh, khiến hơi nước trong không khí ngưng tụ thành mây và gây mưa ở phía Tây. Sau khi trút mưa, không khí mất phần lớn độ ẩm. Khi gió tràn xuống vùng đồng bằng ven biển Trung Bộ, không khí trở nên khô hơn và bị nén, làm nhiệt độ tăng mạnh, tạo nên gió khô nóng. 
Gió Lào thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 7 hoặc tháng 8 hàng năm, tháng 5, 6 và tháng 7 thường được coi là thời điểm gió Lào hoạt động mạnh nhất và gây ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống sinh hoạt của người dân miền Trung, khi đó mùa hè đạt đỉnh điểm.

+ Gió Đông Nam:
 
Áp thấp nhiệt đới ở vịnh Bắc Bộ: Vào mùa hạ, do nhiệt độ mặt nước biển tăng cao, không khí trên vịnh Bắc Bộ nóng lên, nở ra và tạo thành một vùng áp thấp.
Gió Tây Nam thường thổi từ khu vực phía Tây Nam (Lào, Thái Lan) vào Việt Nam trong mùa hè. Khi gió Tây Nam di chuyển lên phía Bắc gặp dãy Trường Sơn, gió mùa Tây Nam bị chặn lại và tách thành hai nhánh:
Nhánh phía Bắc: Bị hút vào vùng áp thấp ở vịnh Bắc Bộ, đổi hướng thành gió Đông Nam và mang theo nhiều hơi ẩm.
Nhánh phía Nam: Tiếp tục di chuyển theo hướng Nam, gây mưa cho vùng Tây Nguyên và Nam Bộ.
Gió Đông Nam ở miền Bắc thường xuất hiện vào mùa hè (khoảng tháng 5 đến tháng 10), gây ra mưa nhỏ và nóng ẩm

Tính Đa Dạng và Thất Thường

• Tính đa đạng

Khí hậu không thuần nhất trên toàn quốc, phân hóa mạnh mẽ theo không gian và thời gian. Địa hình đa dạng, có núi cao, đồng bằng, cao nguyên, bờ biển dài, tạo ra sự phân hóa khí hậu theo độ cao và vùng.
Miền Bắc: Có mùa đông lạnh, khí hậu cận nhiệt đới ẩm.
Miền Trung: Khí hậu nhiệt đới nhưng bị ảnh hưởng của gió Lào khô nóng và bão.
Miền Nam: Khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với hai mùa mưa - khô rõ rệt.
Vùng núi cao như Tây Bắc hoặc Tây Nguyên có khí hậu mát mẻ hơn, khác biệt so với các vùng đồng bằng và ven biển.
Khí hậu mát mẻ ở Tây Bắc và Tây Nguyên chủ yếu do độ cao, thảm thực vật tự nhiên, sự luân chuyển không khí tốt, và hiệu ứng địa hình. Các yếu tố này kết hợp lại tạo ra môi trường lý tưởng với nhiệt độ thấp hơn đáng kể so với đồng bằng, đặc biệt phù hợp để phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái.

+ Sự phân hóa theo thời gian (mùa vụ)

Miền Bắc có 4 mùa rõ rệt (xuân, hạ, thu, đông), trong khi miền Nam và miền Trung chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô.
Các mùa mưa và khô thường có sự khác biệt lớn về nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa giữa các vùng miền.

+ Phân hóa theo độ cao (khí hậu theo tầng)

Những khu vực núi cao như Sa Pa, Đà Lạt, Mẫu Sơn có khí hậu mát mẻ quanh năm, đôi khi xuất hiện băng tuyết vào mùa đông.
Nhiệt độ trung bình giảm khoảng 0,6°C mỗi 100m độ cao so với mực nước biển. Do đó, ở những khu vực núi cao như Sa Pa (Lào Cai, độ cao ~1.500m) hay Đà Lạt (Lâm Đồng, độ cao ~1.500m), nhiệt độ thấp hơn nhiều so với các khu vực đồng bằng. Ở các khu vực này, ngay cả trong mùa hè, nhiệt độ cũng mát mẻ, thường dao động từ 18-25°C.Trong khi đó, các khu vực đồng bằng và ven biển lại có khí hậu nóng ẩm hơn.

+ Ảnh hưởng của biển:

Khí hậu Biển Đông mang tính chất gió nhiệt đới hải dương
Các vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu đại dương, đặc biệt là bão, tạo nên sự khác biệt với vùng nội địa như Tây Bắc hay Tây Nguyên.

• Tính thất thường

+ Thời tiết biến động
Thời tiết có sự thay đổi mạnh mẽ từ năm này sang năm khác, đặc biệt là về nhiệt độ và lượng mưa. Ví dụ, có năm mùa đông đến sớm và lạnh hơn bình thường, có năm mùa hè kéo dài với những đợt nắng nóng gay gắt.
Lượng mưa có thể phân bố không đều: năm thì mưa lớn, năm thì hạn hán.

+ Bão lũ, hạn hán

Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, nơi thường xuyên xảy ra bão từ tháng 6 đến tháng 11. Mỗi năm có khoảng 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, nhưng cường độ và thời điểm xuất hiện bão rất khó dự đoán.
Lũ quét và sạt lở đất thường xuyên xảy ra ở các vùng núi cao như Tây Bắc và Tây Nguyên, đặc biệt vào mùa mưa.
Hạn hán cũng xảy ra phổ biến, đặc biệt là ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vào mùa khô.

+ Thời tiết cực đoan

Xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng nắng nóng gay gắt, băng giá ở miền núi, mưa đá ở miền Bắc, hoặc xoáy lốc bất thường tại các vùng đồng bằng và ven biển.
Hiện tượng El Niño và La Niña ảnh hưởng đến thời tiết, khiến mùa mưa đến muộn hoặc kéo dài bất thường.

+ Sự khó đoán trong mùa mưa và mùa khô

Miền Nam có hai mùa mưa và khô, nhưng ngày bắt đầu và kết thúc của mỗi mùa có thể thay đổi hàng năm, gây ảnh hưởng đến nông nghiệp và đời sống.
Miền Trung thường có mưa lớn vào mùa bão, nhưng đôi khi lượng mưa lại không đủ, gây khô hạn.

Đặc Điểm Khí Hậu 3 Miền

*Khí hậu miền Bắc

• Đặc điểm: Khí hậu Cận nhiệt đới ẩm, với bốn mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, và đông. Mùa đông có ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, thời tiết lạnh và khô. Mùa hè nóng ẩm, nhiều mưa.
• Khu vực điển hình: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh
• Lượng mưa: Lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa hè, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 10
• Nhiệt độ trung bình:
+ Mùa Xuân từ tháng 3 đến tháng 5 (nhiệt độ trung bình: 15 - 25°C)
- Tháng 3: Thời tiết ấm dần, nhiệt độ 18-28°C, nhiều mưa phùn và sương mù nhẹ.
- Tháng 4: Ấm áp dần, nhiệt độ 20-32°C, đôi khi có nắng xen lẫn mưa rào.
- Tháng 5: Cuối xuân, chuyển sang hè, nhiệt độ 25-35°C, nhiều ngày nắng, thời tiết chuyển sang oi nóng.
+ Mùa Hạ từ tháng 6 đến tháng 8 (nhiệt độ trung bình: 28 - 35°C), những đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ  có thể lên tới 40°C
- Tháng 6: Nhiệt độ 28-35°C, thời tiết nóng, ẩm, mưa rào và giông bão có thể xảy ra, nhất là vào chiều tối.
- Tháng 7: Nhiệt độ 30-38°C, là tháng nóng nhất, mưa lớn và bão có thể xuất hiện.
- Tháng 8: Nhiệt độ 28-35°C, tiếp tục oi bức, mưa rào và giông bão xuất hiện thường xuyên.
+ Mùa Thu từ tháng 9 đến tháng 11 (nhiệt độ trung bình: 22 - 30°C)
- Tháng 9: Thời tiết vẫn còn nóng, nhiệt độ khoảng 24-32°C, mưa vẫn xuất hiện nhiều do ảnh hưởng của mùa bão, nhưng bắt đầu mát mẻ hơn về cuối tháng.
- Tháng 10: Nhiệt độ dao động từ 22-28°C, trời trong xanh, mưa ít, thời tiết dễ chịu.
- Tháng 11: Mát mẻ, nhiệt độ khoảng 18-25°C, trời khô ráo, ít mưa, chuyển dần sang mùa đông.
+ Mùa Đông từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau (nhiệt độ trung bình: 10 - 20°C)
- Tháng 12: Thời tiết lạnh dần, nhiệt độ 10-20°C, có thể có rét đậm và mưa phùn.
- Tháng 1: Lạnh nhất trong mùa đông, nhiệt độ 8-18°C, có thể xuất hiện rét hại và băng giá ở vùng núi cao.
- Tháng 2: Thời tiết vẫn lạnh, nhiệt độ 15-25°C, có mưa phùn nhẹ, nhưng không khí lạnh giảm dần.

*Khí hậu miền Trung

• Bắc Trung Bộ

Bắc Trung Bộ là khu vực có khí hậu khắc nghiệt nhất trên cả nước, không có bốn mùa rõ rệt như Bắc Bộ, khí hậu ở đây có sự chuyển đổi giữa hai mùa mưa và khô, với những giai đoạn thời tiết mát mẻ và nóng khô nhưng không thể hiện rõ nét bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

+ Đặc điểm: Khí hậu Nhiệt đới gió mùa nhưng chịu ảnh hưởng lớn từ gió Lào, gây ra thời tiết khô nóng vào mùa hạ. Vì ở gần Bắc Bộ nên vẫn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh nhưng cường độ thấp hơn, do có địa hình chắn gió
Dãy núi Hoành Sơn và Trường Sơn chạy dọc theo miền Trung, tạo thành một rào chắn tự nhiên làm giảm cường độ của khối không khí lạnh, khi di chuyển từ phía Bắc xuống gần như bị chặn lại tại dãy Bạch Mã (ranh giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam)
+ Khu vực điển hình: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
+ Lượng mưa: Cao, tập trung từ tháng 9 đến tháng 12, dễ gây ra lũ lụt vào mùa mưa.
+ Nhiệt đô trung bình: 25 - 35°C. Có thể đạt đến 40°C vào mùa hè do ảnh hưởng của gió Lào. Mùa đông có thể lạnh, nhưng không lạnh như miền Bắc.
- Mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 12): Nhiệt độ trung bình 20-30°C, mùa mưa kéo dài, có thể có bão.
- Mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 7): Nhiệt độ trung bình 25-35°C, mùa khô nóng và ít mưa.

• Duyên hải Nam Trung Bộ

+ Đặc điểm:
Khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng khô hạn hơn ở Bắc Trung Bộ. Thời tiết ổn định hơn với mùa mưa rõ rệt từ tháng 9 đến tháng 12.
+ Khu vực điển hình: Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
+ Lượng mưa: Thấp hơn miền Bắc và Bắc Trung Bộ, chủ yếu tập trung vào các tháng cuối năm.
+ Nhiệt độ trung bình: khoảng 26-34°C.
- Mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 12): Nhiệt độ trung bình 25-30°C, đặc trưng với mưa lớn, bão, áp thấp nhiệt đới, và nhiệt độ mát mẻ hơn so với mùa khô.
- Mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 8): Nhiệt độ trung bình 27-34°C, thời tiết nóng và ít mưa.

• Tây Nguyên

+ Đặc điểm:
Vùng cao nguyên có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
+ Khu vực điển hình: Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng.
+ Lượng mưa: Mưa nhiều vào mùa mưa và khá ít trong mùa khô.
+ Nhiệt độ trung bình: từ 25-30°C. Khí hậu mát mẻ, mùa khô ít mưa
- Mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10): Nhiệt độ trung bình 23-28°C, khí hậu mát mẻ, ổn định.
- Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4): Nhiệt độ trung bình 25-30°C, khí hậu ôn hòa, ít thay đổi.

*Khí hậu miền Nam

+ Đặc điểm: Khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
+ Khu vực điển hình: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ.
+ Lượng mưa: Mưa lớn tập trung vào mùa mưa, thường kéo dài vài giờ mỗi ngày. Thời gian còn lại là mùa khô, nắng nóng, ít mưa.
+ Nhiệt độ trung bình: dao động từ 25-35°C quanh năm, khá ổn định
- Mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10):
Nhiệt độ trung bình từ 25-32°C.
Thời tiết có mưa rào vào buổi chiều hoặc ban đêm, làm không khí mát mẻ hơn vào những ngày có mưa, nhưng vẫn duy trì nhiệt độ khá cao.
Cuối tháng 4 - đầu tháng 5 khí hậu chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, có mưa rào và dông.
- Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4):
Nhiệt độ trung bình từ 26-34°C.
Nhiệt độ có thể lên đến 35°C trong những đợt nắng nóng vào cuối mùa khô, đặc biệt là tháng 3 và tháng 4.
Cuối tháng 10 - đầu tháng 11 khí hậu chuyển từ mùa mưa sang mùa khô, thời tiết bắt đầu khô ráo, nhiệt độ lại tăng lên, có những đợt nắng nóng vào tháng 11.

Khí hậu của Việt Nam mang tính đa dạng và thất thường, chịu ảnh hưởng lớn từ địa hình và hướng gió mùa. Sự đa dạng này góp phần tạo nên những đặc trưng khí hậu riêng biệt giữa các vùng miền, ảnh hưởng đến nông nghiệp, đời sống và sinh hoạt của người dân trong từng khu vực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét